Rối loạn thần kinh thực vật

Rối loạn thần kinh thực vật (Autonomic nervous system disorders) là một rối loạn có ảnh hưởng đến chức năng tự động cơ thể bao gồm nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa… Đây là bệnh ngày càng phổ biến, tuy bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng tác động rất lớn tới sinh hoạt của người bệnh.

Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng của hai hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hai hệ thống này về cơ bản gần như trái ngược nhau nhưng đôi khi có tác dụng hiệp đồng ở phạm vi hẹp.

Bình thường có sự cân bằng giữa hai hệ thống giao cảm hoặc phó giao cảm duy trì các chức năng bình thường của cơ thể. Khi có rối loạn, việc điều trị chủ yếu để tạo sự cân bằng trở lại giữa hai hệ thống này. Ở mức độ nhẹ đôi khi chỉ dùng an thần, vitamin C, sinh tố, tâm lý liệu pháp, chế độ sinh hoạt điều độ sẽ cân bằng trở lại. Song, đôi khi việc điều chỉnh triệu chứng do rối loạn thần kinh thực vật gây nên mang tính cục bộ như bệnh mồ hôi tay chân, loét dạ dày – tá tràng… khá phức tạp, có khi phải phẫu thuật. Vì vậy người có các triệu chứng trên nên đi khám chuyên khoa thần kinh để xác định mức độ rối loạn thần kinh thực vật và điều trị hợp lý.

Hệ thần kinh thực vật được chia làm hai hệ: hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Mỗi hệ giao cảm hoặc phó cảm có các trung khu. Trung khu của hệ giao cảm phân bố ở sừng bên chất xám tuỷ sống từ ngực 1 đến thắt lưng 2 – 3, trung khu hệ phó giao cảm phân bố ở 3 nơi: não giữa, hành cầu não và các đốt cùng của tuỷ sống. Ngoài não giữa, cầu não, tuỷ sống, tham gia vào chức năng thực vật còn có một số cấu trúc thần kinh khác: thể lưới thân não, các trung khu thực vật trong tiểu não, vùng trán của bán cầu đại não…

Chức năng của hệ thần kinh thực vật: Là điều hoà các quá trình chuyển hoá vật chất, điều hoà hoạt động của cơ quan nội tạng cũng như của chính hệ thần kinh trung ương. Trong điều hoà chức năng của các cơ quan thường có sự tham gia của cả hai hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Tác dụng của giao cảm và phó giao cảm thường có mối quan hệ tương hỗ: kích thích đồng thời các dây thần kinh giao cảm có tác dụng tăng cường chức năng của các dây phó giao cảm…

Ảnh hưởng của hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm lên chức năng các cơ quan trong cơ thể diễn ra như sau: giao cảm làm giãn đồng tử thì phó giao cảm làm co, giao cảm làm giãn mạch thì phó giao cảm làm co, giao cảm làm tăng nhịp tim thì phó giao cảm làm giảm nhịp tim, giao cảm làm giảm nhu động và trương lực lòng ruột thì phó giao cảm làm tăng nhu động và trương lực…

Phản xạ thực vật là các phản xạ được thực hiện với sự tham gia của các neuron thuộc hệ thần kinh thực vật. Được chia thành phản xạ thực vật chính thức, phản xạ thực vật tại chỗ và phản xạ axon.

Các phản xạ tại chỗ quan trọng

 – Phản xạ tạng – tạng là phản xạ phát sinh khi kích thích vào một tạng nào đó và phản ứng xuất hiện ở một tạng khác.

– Phản xạ tạng – cơ là phản xạ phát sinh khi kích thích vào cơ quan nội tạng gây ra phản ứng ở cơ.

– Phản xạ tạng – da phát sinh khi kích thích các cơ quan nội tạng và phản ứng xuất hiện ở da.

– Phản xạ da – tạng phát sinh khi kích thích da và phản ứng xuất hiện ở cơ quan nội tạng.

 Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật. Ngoài rối loạn di truyền có thể gây ra bệnh thì còn phải kể đến các nguyên nhân đặc trưng như: Các bệnh tự miễn (hội chứng Sjogren và Lupus ban đỏ hệ thống). Rối loạn thần kinh thực vật cũng có thể được gây ra bởi một cuộc tấn công hệ miễn dịch của một số bệnh ung thư (hội chứng cận ung thư). Hoặc do tổn thương dây thần kinh do phẫu thuật vùng cổ hoặc xạ trị. Những biến đổi do tuổi hay bệnh lý của những cơ quan chi phối mà khả năng sẵn sàng hoạt động chức năng đã bị suy giảm hay những biến đổi bất thường như: Bệnh đái tháo đường, một số bệnh truyền nhiễm… cũng là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật, dần dần có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể.

 Vấn đề nhận định ranh giới giữa rối loạn tuần hoàn ngoại vi do chức năng với tổn thương thực thể có thể rất khó khăn, vì rối loạn tuần hoàn do thần kinh thực vật cũng có thể sẽ dẫn tới những biến đổi các cơ quan trong cơ thể và gây một số bệnh:

 – Bệnh Raynaud: Khi người bệnh tiếp xúc với môi trường lạnh thì các mạch máu ở đầu ngón tay, ngón chân sẽ co thắt lại gây tím tái đầu ngón, nhất là các đầu ngón tay. Bệnh không rõ nguyên nhân, thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ. Bệnh thường được khởi phát sau phơi nhiễm lạnh hoặc stress tâm lý.

 – Chứng xanh tím đầu chi: Đây là chứng rối loạn thần kinh thực vật thường gặp, những trường hợp nặng cũng khó chẩn đoán phân biệt với bệnh Raynaud. Ngoài các triệu chứng xanh tím ở đầu chi, bệnh nhân không còn cảm giác đau gì đặc biệt mà chỉ thấy cảm giác sưng phồng.

 – Chứng đỏ đau đầu chi: Là hội chứng đau rát bỏng đầu chi, tăng khi đứng, đi hay nhiệt độ nóng, cải thiện khi lạnh. Trong cơn, chi trở nên đỏ, sung huyết tĩnh mạch. Bệnh nhân có cảm giác đau dữ dội và kéo dài, nên họ thường phải nhúng các ngón tay vào nước lạnh để làm dịu cơn đau.

– Bệnh cứng bì: Là bệnh có tổn thương toàn bộ tổ chức liên kết, với tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau đặc trưng bằng các tổn thương ở động mạch, mao mạch nhỏ gây xơ cứng và làm tắc nghẽn các mạch máu ở da, ống tiêu hóa, tim, phổi, thận và các cơ quan khác nhau. Bệnh không chỉ có các biểu hiện ngoài da mà còn có nhiều biểu hiện ở nội tạng và toàn thân. Cơ thể bệnh nhân xuất hiện nhiều mảng da bị xơ cứng, teo, sẹo và có hình dạng như những mảng tròn hay bầu dục (XCB mảng), tròn nhỏ hình giọt nước (XCB giọt), hình băng dài (XCB băng)…

Y Học hiện đại điều trị:

Cách điều trị cũng như đối phó phổ biến hiện nay với căn bệnh này vẫn là điều trị nội khoa và ngoại khoa. Ngoài việc dùng các loại thuốc đặc trị như sinh tố B, thuốc canxi, thuốc an thần, người bệnh có thể kết hợp cách chữa Đông y như châm cứu, liệu pháp tắm nóng, tắm lạnh. Uống thuốc chống suy nhược cơ thể, thuốc hạ huyết áp cũng có tác dụng trong khâu điều trị. Về ăn uống, hạn chế thức ăn mặn, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngàyViệc điều trị cũng rất khó khăn và kéo dài. Tuy bệnh không gây tử vong nhưng nó làm giảm đi rất nhiều chất lượng cuộc sống, chỉ gây ra khó chịu cho người bệnh và kéo dài làm thay đổi tâm lý. Do tính chất không nguy hiểm nên người bệnh thường không được quan tâm đúng mức, bị từ chối điều trị và càng làm cho bệnh nhân lo lắng. Để điều trị, bệnh nhân được dùng các thuốc điều trị triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân. Hiện đối với thể bệnh bị trầm cảm người ta dùng thuốc chống trầm cảm, đối với rối loạn nhịp tim nhanh thì dùng thuốc kiểm soát nhịp tim và nói chung là điều trị triệu chứng kết hợp cùng tâm lý liệu pháp, vận động liệu pháp…. Bệnh nhân sau một thời gian bị bệnh thường rơi vào tình trạng trầm uất, lo lắng không tin vào cuộc sống và không tin vào y học.

Đông y điều trị:

Trên lâm sàng của đông y cũng như theo kinh nghiệm của chúng tôi, bệnh Rối Loạn Thần Kinh Thực Vật cần được điều trị theo thực tế thể bệnh của từng bệnh nhân như:Trừ đàm khai kết, giải uất định chí – Bổ khí cố biểu, dưỡng âm liễm hãn – Ninh tâm an thần, tư âm liễm hãn – Thư can giải uất, hòa vị hóa đàm, thanh dưỡng tâm thần – Phù dương liễm hãn…

Dưỡng sinh điều trị :

Luyện tập khí công, yoga kết hợp đông y, thực phẩm bổ sung vi chất có tác dụng tốt đối với hệ thần kinh thực vật. Tăng cường lối sống lạc quan, vui vẻ, thoải mái sẽ làm cho bệnh tự thuyên giảm theo thời gian.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *